Chi tiết bài viết - Xã Gio An - Gio Linh
BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4/1975 VÀ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 01/5
- 15:13, Thứ Hai, 17-4-2023
- 2222 lượt xem
Đại thắng Mùa xuân năm 1975 đã và sẽ mãi mãi là trang sử vàng chói lọi, nguồn cổ vũ to lớn cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam ta tiến tới thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước".
Hoà chung trong không khí tưng bừng của cả nước hướng về ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2022 và ngày Quốc tế lao động 01/5. Nhân dân cả nước cùng hướng về những chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. đây cũng là dịp để chúng ta tôn vinh, ghi nhớ công lao của những thế hệ đi trước, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, đó cũng là đạo lý sống của dân tộc ta bao đời nay.
1- MIỀN NAM THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC
Ngay từ đầu tháng 4 năm 1975, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền đã ra chỉ thị cho mặt trận đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị gấp cho tổng công kích và tổng khởi nghĩa phối hợp với mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Chỉ thị quy định đồng loạt tiến công và nổi dậy từ ngày 29 tháng 4 theo phương châm đã nêu là tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã bằng lực lượng của địa phương mình.
Chiến dịch bắt đầu từ ngày 4 tháng 1 và kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975, chỉ trong 55 ngày đêm, với quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tốc độ "một ngày bằng 20 năm" với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị tích luỹ từ nhiều năm, quân và dân ta đã giành toàn thắng bằng ba chiến dịch lớn: Chiến dịch giải phóng toàn bộ Tây Nguyên mở đầu bằng trận đánh Buôn Ma Thuột; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, quét sạch địch ở ven biển miền Trung và kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định để dẫn tới giải phóng các tỉnh còn lại của Nam Bộ. Hơn một triệu quân nguỵ và tất cả bộ máy nguỵ quyền bị đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng trong hai chục năm sụp đổ hoàn toàn.
Chính những cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam dưới những hình thức khác nhau ở hầu khắp các địa phương trong Mùa Xuân 1975 đã góp phần có ý nghĩa quyết định vào "tốc độ thần tốc" của cả trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, cũng như nhịp độ tiến công vũ bão của các binh đoàn chủ lực. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 giành toàn thắng, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
2- CẦN THƠ GIẢI PHÓNG.
Tháng 4.1975, quân dân miền Nam chiến thắng giòn giã trên khắp các mặt trận. Trước nguy cơ chính quyền Sài Gòn sắp sụp đổ, Mỹ- Nguỵ dự định dời cả bộ máy chiến tranh xuống thành phố Cần Thơ - trung tâm đầu não vùng IV chiến thuật của địch - nơi quân số còn đông đủ, phương tiện chiến tranh còn nhiều, Mỹ Ngụy quyết tâm phòng thủ để hy vọng cứu vãn tình thế đang xấu, có thể bị sụp đổ hoàn toàn một cách nhanh chóng. Cần Thơ được Khu ủy chọn làm trọng điểm của chiến dịch giải phóng hoàn toàn khu Tây Nam Bộ.
Ngày 10.4.1975, Bộ tư lệnh quân khu IX ra lệnh đưa Sư đoàn 4 và các trung đoàn phối thuộc tiến về Cần Thơ, vượt lộ Vòng Cung, áp sát sân bay Trà Nóc. Tiểu đoàn Tây Đô I cùng bộ phận biệt động thành phố cũng tiến vào áp sát thành phố Cần Thơ. Lúc này, các cơ sở cách mạng trong nội thành cũng được tổ chức, chỉ đạo công tác chuẩn bị băng cờ, khẩu hiệu, phương tiện thông tin để phát động quần chúng nổi dậy và phục vụ sau khi khởi nghĩa thành công.
Về phía địch, ngày 18.4.1975, Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống Ngụy Sài Gòn phải tuyên bố từ chức trốn chạy ra nước ngoài, giao quyền tổng thống cho phó tổng thống Trần Văn Hương đã già yếu. Tuần sau, Trần Văn Hương lại giao quyền tổng thống cho đại tướng Dương Văn Minh.
Đúng 17h ngày 26.4.1975, dưới sự lãnh đạo chỉ huy của Đảng uỷ - Bộ tư lệnh quân khu IX, quân ta nổ súng tiến công vào Cần Thơ, phối hợp chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 27.4.1975, lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ chia làm 3 cánh quân tiến công áp sát thành phố Cần Thơ.
Ngày 28.4.1975, toà lãnh sự Mỹ ở thành phố Cần Thơ rút chạy. Lúc này, tên Nguyễn Khoa Nam chỉ định tên đại tá Trần Cửu Thiên lên nắm quyền tỉnh trưởng Phong Dinh, kiêm thị trưởng thành phố Cần Thơ. Hắn ra lệnh tử thủ và ban hành lệnh giới nghiêm 24/ 24 giờ trên toàn thành phố Cần Thơ, chúng gấp rút điều lực lượng về giữ tuyến lộ Vòng Cung.
Suốt 02 ngày đêm hành quân thần tốc, 10g sáng ngày 30.4.1975; bộ đội chủ lực đánh tan 2 trung đoàn Ngụy án ngữ lộ Vòng Cung, tiến vào thành phố Cần Thơ.
10h30 ngày 30.4.1975, Dương Văn Minh, tổng thống Ngụy ở Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện lực lượng trong thành phố Cần Thơ bắt đầu nổi dậy.
11h00 ngày 30.4.1975, ta giải thoát trên 4.000 thanh niên bị bắt lính ở Trung tâm nhập ngũ số 4. Với nhịp độ tiến công “ thần tốc, táo bạo”, với sức mạnh tổng hợp quân sự, chính trị, ngoại giao và sự nổ lực của cả nước, 11h30 ngày 30.4.1975, tại Sài Gòn, ngọn cờ giải phóng được cắm trên dinh luỹ cuối cùng của chế độ Ngụy quyền.
Tại Cần Thơ, tin chiến thắng dồn dập bay về: 12h00 ngày 30.4.1975, Bác sĩ Lê Văn Thuấn, tổng thư ký Hội Hồng Thập Tự ngụy, là cơ sở cách mạng, hướng dẫn lực lượng vũ trang ta chiếm 2 trại giam: Khám lớn và trại giam Cầu Bắc.
14h30 ngày 30.4.1975, đồng chí Nguyễn Văn Lưu cùng với đồng chí Trương Văn Biên và cán bộ tự vệ vũ trang, nhiếp ảnh, cơ sở mật gồm 12 đồng chí từ Tham Tướng tiến thẳng vào chiếm Đài phát thanh Cần Thơ, kho Hậu Cần, trại Cửu Long, Dinh tỉnh trưởng...
15h00 ngày 30.4.1975, bản tuyên bố của chính quyền cách mạng do đồng chí Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình) đại diện Uỷ ban khởi nghĩa thành phố Cần Thơ đọc, được phát đi trên làn sóng của Đài phát thanh thành phố Cần Thơ.
18h00 ngày 30.4.1975, Trung đoàn 20 làm chủ sân bay Trà Nóc, trung đoàn 10 chiếm sân bay Lộ Tẻ.
20h30 ngày 30.4.1975, Trung tướng Nguyễn Khoa Nam - tư lệnh quân đoàn 4 và vùng IV chiến thuật cùng thiếu tướng Lê Văn Hưng phó tư lệnh tự sát tại Bộ tư lệnh quân đoàn 4 và vùng IV chiến thuật Ngụy - thành phố Cần Thơ hoàn toàn giải phóng.
9h00 sáng ngày 01.5.1975, ta bao vây và bắt sống tên tỉnh trưởng Hồ Ngọc Cẩn, lực lượng Ngụy quân ở Chương Thiện buông súng đầu hàng. Các huyện thị trong tỉnh cũng lần lượt được giải phóng.
3- Ý NGHĨA LỊCH SỬ CHIẾN THẮNG 30/4:
Đồng chí Phạm Hùng, Chính uỷ, thay mặt Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã nói:
- Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng là đỉnh cao cuộc Tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất của quân và dân ta từ đầu tháng 3 đến ngày 30 tháng 4, đã nhanh chóng đập tan hang ổ cuối cùng của địch, giải phóng Sài Gòn trong một thời gian rất ngắn, tiêu diệt, làm tan rã và bắt toàn bộ lực lượng của địch, đánh đổ toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai từ trung ương đến địa phương, kết thúc toàn thắng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của toàn miền, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Nếu trước đây, với Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ, thì ngày nay, với Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chúng ta đã kết thúc chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ ở nước Việt Nam ta, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu.
Kể từ khi có Đảng, qua gần nửa thế kỷ liên tục đấu tranh, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến nay đã hoàn thành trong cả nước. Đại tướng Văn Tiến Dũng. Tư lệnh chiến dịch đã đúc kết: Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 là một thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho Tổ quốc ta. Thắng lợi này tạo ra đầy đủ những điều kiện cơ bản thuận lợi để nhân dân ta xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh, góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.
4- VỀ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG
Hằng năm, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tại Việt Nam, đây là một ngày mà mọi người dân ai ai cũng được nghỉ ngơi, vui chơi không phải làm việc. Tuy vậy, không phải ai cũng biết được lịch sử cũng như ý nghĩa trọng đại của ngày Quốc tế Lao động, nhất là các bạn trẻ thế hệ 8X, 9X.
Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh, nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.
Năm 1884, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không kiếm cớ chối từ.
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!” Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cũng trong ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở Washington, New York, Baltimore, Boston... hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ làm 8 giờ. Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.
Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của Lê Nin, Liên Xô (cũ, nay là Liên bang Nga) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.
Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội.
Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới: thợ hoả xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo... Đây là cuộc mit-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.
Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày hội lớn của hai giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
VH-XH
- Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ...
- Chỉ thị về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân
- Kế hoạch thực hiện Đề án "Truyền thông về xây dựng Xã hội học tập" giai đoạn 2019-2020,...
- Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị