Ngày 26/11/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 450/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,95% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.



Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Công chứng 2024

1. Cơ sở chính trị, pháp lý

Dự thảo Luật được xây dựng trên các cơ sở chính trị, pháp lý sau đây:

– Nghị quyết số 89/2023/QH15, theo đó dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khoá XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

– Quyết định số 805/QĐ-TTg, trong đó giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vào tháng 01/2024.

2. Cơ sở thực tiễn

Qua hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, có thể khẳng định hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới. Đội ngũ công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) ở nước ta ngày càng phát triển (số lượng CCV tăng khoảng gần 2,7 lần, số lượng TCHNCC tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành)[1]. Chất lượng đội ngũ CCV ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các TCHNCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp. Trong hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các TCHNCC trên cả nước đã thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng; tổng số phí công chứng thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 2 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ từ 70-80% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế.

Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ  mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung (xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch). Việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng vì thực chất đây là việc thuộc phạm vi chứng thực – chứng thực chữ ký người dịch. Do đó, quy định về công chứng bản dịch chưa thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn.

Thứ hai, chất lượng đội ngũ CCV còn chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề công chứng và uy tín của đội ngũ CCV trong xã hội. Việc hợp danh của CCV tại VPCC ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Quy định về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh và bổ sung thành viên hợp danh mới tại Văn phòng công chứng (VPCC) còn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát và thực tế đã phát sinh không ít tranh chấp giữa các thành viên hợp danh trong một VPCC.

Thứ ba, định hướng và việc triển khai định hướng phát triển TCHNCC tại các địa phương còn chưa nhất quán, có phần lúng túng, không đồng đều. Các VPCC được thành lập chưa gắn với địa bàn dân cư, hầu hết tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển TCHNCC bị bãi bỏ, xuất hiện xu hướng hàng loạt VPCC xin chuyển về các đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã dẫn đến tình trạng một số tỉnh, thành phố tại một số địa bàn cấp huyện không có VPCC hoạt động. Một số VPCC chỉ có 01 CCV hành nghề thực tế, CCV hợp danh còn lại chỉ đứng danh.

Thứ tư, một số trình tự, thủ tục về công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa gây khó khăn cho cả CCV trong quá trình thực hiện quy trình công chứng vừa không tạo thuận lợi cho TCHNCC và người dân, doanh nghiệp.

Thứ năm, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan. Đến nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại một số địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất trong cả nước; việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng với các cơ sở dữ liệu liên quan chưa được thực hiện.

Thứ sáu, Luật Công chứng hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số quy định về quản lý nhà nước còn chưa phù hợp; chưa có quy định rõ nét về vị trí, vai trò, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức này… đã làm hạn chế hiệu quả công tác quản lý hoạt động công chứng.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết.

Phần 2. Những điểm mới và nội dung cơ bản của Luật Công chứng 2024

Luật Công chứng năm 2024 gồm 08 chương 76 Điều (giảm 02 chương và 05 điều so với Luật Công chứng năm 2014), với các nội dung mới cơ bản sau đây:

Thứ nhất, xác định đúng phạm vi công chứng và thẩm quyền của công chứng viên; quy định về các giao dịch phải công chứng

Để khắc phục những bất cập trong quy định của Luật Công chứng năm 2014 về phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của công chứng viên, tạo thuận lợi cho việc ký kết các giao dịch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, Luật Công chứng năm 2024 có những điểm mới như sau:

– Luật Công chứng năm 2024 đã khẳng định rõ công chứng là dịch vụ công, Nhà nước ủy nhiệm cho công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

– Quy định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản (khoản 1 Điều 2).

– Bổ sung quy định nhằm xác định rõ việc hành nghề công chứng là việc công chứng viên thực hiện việc công chứng giao dịch (khoản 5 Điều 2). Như vậy, mặc dù công chứng viên được giao thực hiện một số việc chứng thực nhưng nếu công chứng viên không thực hiện việc công chứng giao dịch mà chỉ thực hiện việc chứng thực thì vẫn không được tính là hành nghề công chứng.

– Sửa đổi quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời bổ sung một số hành vi mới bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan (Điều 9) nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển đội ngũ công chứng viên chất lượng cao và các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.

– Bổ sung quy định về các giao dịch phải công chứng nhưng không theo hướng liệt kê tên giao dịch mà quy định tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng. Đồng thời Luật giao cho Bộ Tư pháp trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (khoản 2 Điều 3), giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc xác định các giao dịch phải công chứng, tăng tính minh bạch trong quá trình áp dụng pháp luật.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung một số quy định về công chứng viên

Để nâng cao chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, bảo đảm hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên, Luật Công chứng năm 2024 có những điểm mới như sau:

– Bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng, thay vào đó tất cả các đối tượng muốn bổ nhiệm công chứng viên đều phải tham gia đào tạo nghề công chứng, tuy nhiên có giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề công chứng đối với một số đối tượng có trình độ pháp luật cao, có thời gian giữ một số chức danh pháp lý cụ thể (khoản 2, 3 Điều 11).

– Quy định tất cả các đối tượng đều phải tập sự 12 tháng (khoản 1 Điều 12).

– Bổ sung quy định chỉ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên cho người không quá 70 tuổi và công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi (Điều 10, 16, 17). Đồng thời, Luật có quy định chuyển tiếp, theo đó công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

– Bổ sung thêm các trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên, các trường hợp bị miễn nhiệm công chứng viên và các trường hợp không được bổ nhiệm lại công chứng viên (Điều 14, 16, 17) nhằm bảo đảm những người thực sự xứng đáng mới được đứng trong đội ngũ công chứng viên.

– Bổ sung một số quy định về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên nhằm làm rõ quyền và nâng cao trách nhiệm của công chứng viên: Bổ sung quyền chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký cá nhân, quyền khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu theo quy định pháp luật để thực hiện việc công chứng; quy định nghĩa vụ duy trì tư cách hội viên Hội công chứng viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó…

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức hành nghề công chứng

Nhằm phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đúng định hướng, ổn định, bền vững, phân bố hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, Luật Công chứng năm 2024 có những điểm mới như sau:

– Bổ sung quy định về chiến lược phát triển về lĩnh vực công chứng và đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng. Về thẩm quyền, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng, trình Chính phủ ban hành chiến lược; Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn việc xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành đề án (khoản 2, 3 Điều 19). Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng; quy định lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng, giải thể Phòng công chứng tại các địa phương (Điều 22). Đây là cơ sở quan trọng cho việc xác định lộ trình thành lập, phát triển, phân bố các tổ chức hành nghề công chứng tại từng địa phương cũng như trong cả nước trong thời gian tới.

– Đối với Phòng công chứng, để bảo đảm sự tương đồng về điều kiện hoạt động giữa hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng và Văn phòng công chứng), nâng cao tính ổn định của Phòng công chứng, Luật quy định Phòng công chứng cũng phải có từ 02 công chứng viên trở lên, trừ trường hợp các địa bàn cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; Phòng công chứng phải có trụ sở đáp ứng đủ các điều kiện do Chính phủ quy định.

– Kế thừa quy định của Luật Công chứng năm 2014 về việc Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, tuy nhiên có điểm mới là cho phép thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân ở các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh; Danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân do Chính phủ quy định (khoản 1 Điều 23).

– Quy định tên của Văn phòng công chứng do các thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh thỏa thuận hoặc Trưởng Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân quyết định (khoản 4 Điều 23); bổ sung quy định về các trường hợp không được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng để bảo đảm việc thành lập Văn phòng công chứng đúng yêu cầu (khoản 2 Điều 24)…

– Thay quy định về chuyển nhượng Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo Luật Công chứng năm 2014 bằng quy định về chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của toàn bộ thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng (Điều 30); bổ sung quy định về việc bán Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (Điều 31)… Đặc biệt, đối với các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, bán Văn phòng công chứng, chấm dứt hoạt động của Văn phòng công chứng thì công chứng viên hợp danh hoặc Trưởng Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân đều chỉ được tiếp tục hợp danh vào Văn phòng công chứng khác hoặc làm Trưởng Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân khác sau thời hạn ít nhất là 02 năm (khoản 6 Điều 27, khoản 5 Điều 30…).

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về hành nghề công chứng

Để bảo đảm tốt hơn quyền và trách nhiệm hành nghề của công chứng viên, Luật Công chứng năm 2024 có một số điểm mới sau đây:

– Bổ sung 01 hình thức hành nghề mới là công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Phòng công chứng (Điều 38).

– Quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã chuyển đổi, chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập và trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động nhằm cá thể hóa và nâng cao ý thức trách nhiệm cho cả tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên và cá nhân có liên quan (Điều 40).

– Bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên… (khoản 3 Điều 41).

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục công chứng giao dịch, cơ sở dữ liệu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng

– Bỏ Phiếu yêu cầu công chứng trong thành phần hồ sơ yêu cầu công chứng để tạo thuận lợi cho người yêu cầu công chứng (khoản 1 Điều 42)

– Đối với thủ tục chung về công chứng giao dịch, Luật Công chứng năm 2024 bổ sung một số loại giao dịch về bất động sản mà khi thực hiện công chứng thì không phải theo thẩm quyền địa hạt phù hợp với tính chất của giao dịch (Điều 44); bổ sung quy định cho phép người yêu cầu công chứng được thoả thuận với tổ chức hành nghề công chứng về thời hạn công chứng trong một số trường hợp cụ thể để vừa bảo đảm quyền của người yêu cầu công chứng vừa không tạo sự cứng nhắc trong thủ tục công chứng (khoản 2 Điều 45); quy định rõ hơn về các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở để vừa bảo đảm nguyên tắc công chứng tại trụ sở vừa tạo sự linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn (khoản 2 Điều 46)…

– Đối với thủ tục công chứng một số giao dịch cụ thể, Luật Công chứng năm 2024 quy định rõ việc công chứng những giao dịch cụ thể trước hết phải tuân thủ thủ tục chung, sau đó mới tính đến các yếu tố đặc thù tương ứng đối với từng loại giao dịch (Điều 53)…

– Bổ sung 04 điều mới (Điều 62 đến 65) quy định những vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng.

 Đối với cơ sở dữ liệu công chứng (CSDLCC), với nguyên tắc vừa bảo đảm tính kế thừa kết quả đầu tư xây dựng CSDLCC tại các địa phương trong những năm vừa qua, vừa đáp ứng yêu cầu đồng bộ, kết nối, chia sẻ thông tin để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, Luật Công chứng năm 2024 quy định CSDLCC bao gồm CSDLCC của Bộ Tư pháp và CSDLCC của các địa phương, quy định rõ các thông tin của từng CSDLCC, trách nhiệm xây dựng từng CSDLCC và các yêu cầu đối với từng CSDLCC… (Điều 66).

Thứ sáu, quy định mới về quản lý nhà nước về công chứng và thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Công chứng năm 2024 là việc thực hiện chủ trương đổi mới tư duy lập pháp, thể hiện qua việc không quy định trong Luật mà giao Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên, miễn nhiệm công chứng viên…; lược bỏ các quy định về quản lý nhà nước về công chứng và xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại và giải quyết tranh chấp.

Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025 và thay thế Luật Công chứng số 63/2015/QH13.