Chi tiết bài viết - Xã Gio An - Gio Linh
Tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự
- 15:39, Thứ Sáu, 11-11-2022
- 1223 lượt xem
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Công dân không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú khi đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc.
Thanh niên Gio An trong thời gian qua luôn tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi gia đình cần động viên, giáo dục, khuyến khích con em mình nhận thức đúng về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với đất nước. Tích cực, tự nguyện tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi quy định.
Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
1. Độ tuổi gọi khám nghĩa vụ quân sự là bao nhiêu?
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Trong đó, một trong những tiêu chuẩn quan trọng để công dân được gọi nhập ngũ là đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định. Vì vậy, trước khi nhập ngũ, công dân bắt buộc phải thực hiện khám sức khỏe để kiểm tra xem có đáp ứng đủ tiêu chuẩn hay không.
Về độ tuổi được gọi khám sức khỏe quân sự sẽ là độ tuổi gọi nhập ngũ. Theo đó, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Như vậy, công dân từ đủ 18 - 25 tuổi phải tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đối với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học (chưa nhập ngũ) thì đến 27 tuổi.
2. Chế độ của công dân trong thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2023
Theo Điều 12 Nghị định 13/2016/NĐ-CP quy định về chế độ đối với công dân trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Người làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước nếu đi khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện:
- Được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành;
- Người không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước được đảm bảo các chế độ:
+ Tiền ăn bằng mức tiền 01 ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh
+ Được thanh toán tiền tàu xe đi - về theo chế độ quy định hiện hành
Theo đó, thời gian đi, về và thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc khám, kiểm tra sức khỏe trong thời gian từ 04 giờ trở lên trong ngày được tính cả ngày. Trường hợp thời gian dưới 04 giờ trở xuống thì tính là 1/2 ngày.
3. Không đi khám nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi, bị xử lý thế nào? Có bị đi tù không?
3.1 Mức phạt tiền với hành vi trốn khám nghĩa vụ quân sự
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
STT | Hành vi | Mức phạt |
1 | Không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng. | 10 - 12 triệu đồng |
2 | Cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng. | 12 - 15 triệu đồng |
3 | Một trong các hành vi: + Có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; + Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 02 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. | 15 - 20 triệu đồng |
4 | Không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. | 25 - 35 triệu đồng |
Có thể thấy, người có hành vi trốn khám nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt tiền lên tới 35 triệu đồng.
3.2 Trốn khám nghĩa vụ quân sự có bị đi tù không?
Căn cứ Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015, một người được coi là phạm Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự khi thực hiện 01 trong 03 hành vi:
- Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự;
- Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ;
- Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện.
Đồng thời, theo mục 11 phần I Công văn 5887/VKSTC-V14, trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành:
- Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự;
- Lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự;
- Lệnh gọi nhập ngũ;
- Lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định xử lý hình sự đối với 03 hành vi nêu trên, không quy định xử lý hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Do đó, không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
TP-HT
- Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ...
- Chỉ thị về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân
- Kế hoạch thực hiện Đề án "Truyền thông về xây dựng Xã hội học tập" giai đoạn 2019-2020,...
- Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị