Chi tiết bài viết - Xã Gio An - Gio Linh

VI RÚT MARBURG TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH LÂY NHIỄM

Vi rút Marburg là tác nhân gây xuất huyết nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm tương tự Ebola với tỷ lệ tử vong lên 23 - 90%. Mới đây, ở Guinea Xích đạo đã ghi nhận đợt bùng phát vii rút Marburg đầu tiên với ít nhất 9 ca tử vong.

 



Vi rút Marburg là một chủng vi rút cùng họ với vi rút Ebola, lây từ động vật sang người với vật chủ tự nhiên là một loài dơi ăn quả. Người có nguy cơ lây nhiễm cao thường là những người sống và tiếp xúc nhiều với các loài dơi hoang dã trong các hang động tại châu Phi. Giống như Ebola, vi rút Marburg lây qua tiếp xúc gần với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, qua đường máu, quan hệ tình dục hoặc trong quá trình chăm sóc y tế, trong phòng thí nghiệm. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa từng phát hiện ca nhiễm vi rút Marburg.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), vi rút Marburg lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). 31 người bệnh đầu tiên là nhân viên phòng thí nghiệm, sau đó một số lây nhiễm cho các nhân viên y tế khác và thành viên trong gia đình. Họ tiếp xúc với khỉ xanh châu Phi nhập khẩu từ Ugandan hoặc mô của chúng trong khi tiến hành nghiên cứu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tử vong các ca bệnh trong đợt bùng phát đầu tiên năm 1967 là 24%, song tăng lên 83% trong đợt dịch ở Congo năm 1998 - 2000, tiếp tục tăng lên 100% vào năm 2017 khi lây lan ở Uganda. Theo đó, tỷ lệ tử vong dao động từ 23% đến 90%, tùy thuộc vào chủng vi rút và cách giám sát và điều trị ca bệnh. WHO đánh giá rủi ro do đợt bùng phát là rất cao ở cấp quốc gia, vừa phải ở cấp khu vực và thấp ở cấp toàn cầu.

Ngày 13/2/2023, tại Guinea Xích đạo đã xác nhận đợt bùng phát vi rút Marburg đầu tiên, tính đến ngày 21/3, đã có 9 trường hợp đã tử vong và 20 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh ở Guinea Xích đạo. Trước đó, cơ quan y tế địa phương tại Guinea Xích Đạo đã cảnh báo về các trường hợp bệnh không xác định với các triệu chứng sốt và xuất huyết vào ngày 7/2.

Các triệu chứng mắc bệnh:

Trong giai đoạn đầu của bệnh, chẩn đoán lâm sàng rất khó phân biệt với nhiều bệnh sốt nhiệt đới khác do các triệu chứng lâm sàng giống nhau. Bệnh có triệu chứng giống với các bệnh sốt xuất huyết do vi rút khác, bao gồm bệnh do vi rút Ebola, sốt rét, thương hàn, bệnh leptospirosis, nhiễm trùng do rickettsia và cả dịch hạch.

Các triệu chứng mắc bệnh điển hình gồm: Sốt cao, đau đầu, đau họng, mệt mỏi dữ dội và đau cơ khởi phát đột ngột. Từ ngày thứ 3, tiêu chảy nước, đau bụng, nôn và buồn nôn có thể xuất hiện. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài cả tuần. Triệu chứng nghiêm trọng hơn là vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan.

Trong vòng 7 ngày đầu, các biểu hiện xuất huyết nghiêm trọng có thể xuất hiện - đây là nguyên nhân gây tử vong với nguy cơ xuất huyết ở nhiều cơ quan khác nhau.

Trong khoảng 15 ngày sau khởi phát bệnh nhân có thể có sẩn hồng ban, thường ở ngực, lưng, bụng trên. Tình trạng viêm tinh hoàn có thể xuất hiện ở giai đoạn này.

Đáng lo ngại, bệnh Marburg có thể gây tử vong thường sau 8 - 9 ngày khởi phát bệnh do mất máu hay sốc. Các triệu chứng diễn tiến nặng bao gồm vàng da, viêm tụy, suy gan, suy đa cơ quan và xuất huyết nặng.

Các triệu chứng của bệnh Marburg thường rất đột ngột nên có thể khó phân biệt lâm sàng của bệnh do vi rút Marburg với các bệnh truyền nhiễm khác như: sốt rét, sốt thương hàn, bệnh nhiễm khuẩn shigella, viêm màng não và các bệnh sốt xuất huyết do virus khác (như sốt Lassa hoặc Ebola). Việc chậm trễ trong chẩn đoán có thể cản trở cơ hội sống sót của người bệnh và tạo ra thách thức trong việc kiểm soát sự lây truyền và bùng phát.

Nếu một người có các triệu chứng ban đầu của bệnh Marburg hoặc đã từng đến các khu vực có lưu hành virus Marburg cần được cách ly và thông báo cho các chuyên gia y tế công cộng để lấy mẫu và xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.

Cách lây lan của bệnh

Bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 88% và lây lan giữa người với người qua tiếp xúc trực tiếp qua da hoặc niêm mạc bị tổn thương với máu, dịch tiết, cơ quan hoặc chất dịch cơ thể khác của người bệnh, và với các bề mặt và vật liệu như giường ngủ, quần áo bị nhiễm các chất dịch này.

Biện pháp phòng chống lây nhiễm vi rút Marburg

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Marburg hiện chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng bệnh. Các biện pháp điều trị chủ yếu hiện nay là phát hiện sớm, chăm sóc hỗ trợ triệu chứng, dự phòng biến chứng như bù nước và chất điện giải thở oxy, truyền máu cũng như điều trị các triệu chứng.

Về biện pháp phòng tránh lây nhiễm vi rút Marburg, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên y tế, nhân viên nhà tang lễ,... cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định an toàn trong phòng chống dịch. Đặc biệt, các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cơ thể cần được bao phủ hoàn toàn trong bộ quần áo bảo vệ với hệ thống khí thở nội bộ. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng đồ bảo hộ như: đeo găng tay, đeo tháo mặt nạ, kính bảo vệ, áo choàng,...

Các thiết bị y tế đảm bảo được khử trùng đúng quy định. Hạn chế tối đa việc đi tới những nơi đang có dịch. Mọi trường hợp nghi ngờ cần cách ly y tế ngay và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sớm. Đồng thời giữ gìn môi trường sống luôn sạch sẽ, tuyên truyền giáo dục cộng đồng về các kiến thức cơ bản trong phòng chống dịch.

Bệnh do vi rút Marburg là bệnh rất hiếm gặp ở người, người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành Y tế để chủ động phòng, chống căn bệnh này./.